Vừa thu phí đường bộ vừa thu phí đường cao tốc- "Không phải phí chồng phí"
Sáng 21/5, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ hai, thảo luận trên hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.
Một trong những nội dung được quan tâm trong dự thảo luật này là đề xuất thu phí trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Sử dụng dịch vụ tốt hơn phải trả phí cao hơn
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm rõ ý kiến đề nghị đánh giá tác động của quy định thu phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Ý kiến này đồng thời đề nghị đánh giá sự cần thiết bổ sung phí sử dụng đường cao tốc bên cạnh phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện và làm rõ hai phí này có trùng nhau không.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý điểm a khoản 2 Điều 42 thành “phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện đối với xe ô tô” như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.From: web game casino
Đối với quy định phí sử dụng đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Bộ GTVT đã triển khai nghiên cứu phương án thu trên các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, đánh giá tác động trong trường hợp thu phí và không thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Cụ thể, các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc hoặc đường quốc lộ.
Trong khi đó, người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải, chi phí nhiên liệu, chi phí khấu hao phương tiện.
Nhưng cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa phân loại được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc (được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn).
Để bảo đảm sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn thì phải trả chi phí cao hơn và người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến song hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định này.
Theo đó, mức thu sẽ được xác định theo từng tuyến cao tốc đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác từng khu vực, phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc.
“Việc thu phí này không dẫn đến phí chồng phí. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật Chính phủ trình”, theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Khoản 2 điều 42 trong dự thảo luật quy định về nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ nêu rõ nguồn thu nộp ngân sách Nhà nước gồm: Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện đối với xe ô tô; Phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác…
Liên quan quy định chung đối với đường cao tốc, có ý kiến đề nghị xem xét lại định nghĩa đường cao tốc; quy định đường cao tốc tối thiểu phải có 4 làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích giai đoạn vừa qua, do nguồn lực có hạn, để đáp ứng nhu cầu trước mắt, một số tuyến cao tốc được đầu tư phân kỳ với quy mô 2 làn xe nhằm đảm bảo kết nối thông tuyến, phục vụ nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, từ thực tế khai thác cho thấy các tuyến đường cao tốc đầu tư phân kỳ 2 làn xe khi đưa vào khai thác đã gặp một số khó khăn, bất cập nhất định.
Vì vậy, từ năm 2023, Thủ tướng đã chỉ đạo không đầu tư đường cao tốc phân kỳ 2 làn xe, song việc triển khai theo định hướng này vẫn rất khó khăn do không thể cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện.
Từ thực tiễn nêu trên, việc phân kỳ đầu tư đường cao tốc đã được quy định tại khoản 4 Điều 50 dự thảo Luật Chính phủ trình. Các yêu cầu cụ thể với đường cao tốc phân kỳ đầu tư sẽ được Bộ GTVT nghiên cứu quy định tại Quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc để triển khai thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đó đề nghị không quy định cụ thể các yêu cầu kỹ thuật đường cao tốc trong dự thảo Luật.
Không dùng gầm cầu cạn để trông giữ xeFrom: web game casino
Ngoài ra, liên quan dự luật này, có ý kiến đề nghị bổ sung 1 điều về sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định không cho phép trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ tại gầm cầu cạn.
Tuy nhiên, thực tế ở một số địa phương có tình trạng cho sử dụng tạm thời để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ, gây nguy cơ gây cháy nổ, ảnh hưởng đến công trình đường bộ.
Để bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng đường bộ, bảo đảm mục đích sử dụng của công trình đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất đề nghị không luật hóa quy định về sử dụng gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ.
Quy định này vì thế được giữ nguyên như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Có ý kiến đề nghị bổ sung một số nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải dự thảo Luật không quy định về quản lý phương tiện giao thông, vì nội dung này đã được quy định tại Chương III (phương tiện giao thông đường bộ) của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật Chính phủ trình.